Những lễ hội đặc sắc tháng 8 âm lịch tại các tỉnh miền Bắc bao gồm Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn – Tp. Hải Phòng ngày 09/08 âm lịch, lễ hội Đền Trần tại Nam Định, Hội Côn Sơn Kiếp Bạc – Hải Dương, hội Đền Đồng Bằng – Thái Bình…
Cùng xemboi.com.vn tìm hiểu đầy đủ hơn về những lễ hội đặc sắc theo phong tục truyền thống Việt Nam
1. Lễ hội đặc sắc tháng 8 âm lịch – Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn – Tp. Hải Phòng
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn – TP. Hải Phong được tổ chức vào ngày 09/08 âm lịch hàng năm
Dân gian có câu
“Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai bận rộn trăm bề
Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu”
Đây chính là những câu ca nói về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn Hải Phòng, một trong những lễ hội truyền thống Việt Nam đã có từ lâu đời tại thành phố hoa phượng đỏ này. Lễ hội chọi trâu được tổ chức hàng năm vào ngày 09/08 âm lịch tại quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng, với nhiều khuôn nét phản ảnh đậm sắc đời sống vật chất cũng như tinh thần của những đồng bào vùng ven biển.
Thần tích hình thành lễ hội chọi Trâu Hải Phòng : Những người dân địa phương vào một đêm tháng 8 âm lịch chợt nhìn thấy hình ảnh một ông tiên đang ngắm hai chú trâu thi đấu chọi trên những con sóng bạc. Từ đó người dân Đồ Sơn lấy tích đó làm điểm tựa tâm linh, và lễ hội chọi trâu được tổ chức hàng năm, mục đích là để cầu thịnh vượng, hạnh phúc và no ấm cho đời sống thường nhật của những người con miền đất biển nơi đây.
Với điển tích tâm linh thiêng liêng đó mà người dân nới đây thường chuẩn bị cho lê hội chọi trâu ngay từ sau Tết Nguyên Đán. Lúc này, các nhà trâu sẽ lựa chọn và nuôi dưỡng trâu cho kỳ đấu. Trâu thi đấu có khi được chủ trâu đi khắp các tỉnh lân cận, lên đến Bắc Kạn, Tuyên Quang… để tìm mua.
Lễ hội chọi trâu thường bắt đầu bằng lễ tế thần Điểm Tước (đây là một vị thuỷ thần cũng là Thành hoàng của cả vùng Đồ Sơn), sau mới đến cuộc thi chọi trâu, thu hút cả người dân địa phương lẫn du khách tứ phương đổ về. Kết thúc hội chọi trâu sẽ là lễ rước giải trâu nhất về đình làm lễ tế thần.
Hội chọi trâu Đồ Sơn được xem như một điểm nhấn du lịch và cũng chính là “chiêu bài” thu hút và phát triển ngành du lịch cho Tp. Hải Phòng vì sự độc đáo, gay cấn, hào hứng và đầy tinh thần thượng võ của con người nơi đây.
2. Lễ hội đặc sắc tháng 8 âm lịch – Lễ hội Đền Trần – tỉnh Nam Định
Lễ hội Đền Trần Nam Định được diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 Âm lịch
Đã từ lâu câu ca “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” luôn vương vấn trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt như một lời nhắc nhở để mỗi dịp tháng ba, tháng tám hàng năm lại tìm về cội nguồn. Để hòa mình vào những nghi lễ trang nghiêm, những lễ hội tưng bừng tưởng nhớ Thánh, Mẫu đã có công sáng lập và gìn giữ vùng đất thiêng này. Lễ hội đền Trần diễn ra tại Khu Di tích Văn hóa đền Trần (phường Lộc Vượng, Tp. Nam Định, tỉnh Nam Định) từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 (âm lịch) nhằm tri ân công đức của 14 vị vua Trần.
Lễ hội Đền Trần được tổ chức hàng năm, nhưng thường thì những năm chăn sẽ được tổ chức to hơn năm lẻ. Mỗi năm hai đợt, vào tháng Giêng và tháng 8 âm lịch, Đền Trần sẽ lại đón khách thập phương nô nức về đây trẩy hội đền, với sự thành tâm mong muốn được lộc phước, cầu bình an, thịnh vượng.
Hội đền Trần diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm. Những năm chẵn hội mở to hơn năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức về trẩy hội đền Trần. Hành hương về cội nguồn ai cũng mong muốn điều tốt lành, thịnh vượng. Trước sân đền phấp phới lá cờ đại – lá cờ truyền thống với năm màu rực rỡ biểu trưng cho ngũ hành, hình vuông biểu tượng đất (âm), rìa tua hình lưỡi liềm biểu tượng trời (dương). Chính giữa cờ hội thêu chữ “Trần” bằng chữ Hán do hai chữ “Đông” và “A” ghép lại.
Lễ hội được cử hành trang nghiêm. Nghi lễ được diễn ra với các lễ rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương, tế tự ở đền Thượng thờ 14 vị vua Trần. Lễ dâng hương có 14 cô gái đồng trinh, đội 14 mâm hoa đi vào đền trong tiếng nhạc lễ dâng lên 14 ngai vua. Nghi lễ này là hồi ảnh của cung cách triều đình phong kiến xa xưa.
Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú, độc đáo như chọi gà, diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn, múa bài bông. Chính những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này đã tạo cho hội Đền Trần sức hấp dẫn và cuốn hút du khách thập phương.
Lễ hội Đền Trần là một trong những lễ hội truyền thống Việt Nam khá lớn nói chung và người Nam Định nói riêng, là dịp để tưởng nhớ đến nguồn cội và công lao các vị vua đời Trần, đồng thời cũng là một sự kiện văn hóa, du lịch và tâm linh, một dịp lễ hội đông vui trong ánh nhìn phổ quát về di lịch Việt Nam.
3.Hội Côn Sơn – Kiếp Bạc – tỉnh Hải Dương – 15 – 20/8AL
Hội Côn Sơn – Kiếp Bạc (hay còn gọi là Lễ hội Côn Sơn hay Lễ hội chùa Hun) được tổ chức từ ngày 15 – 20/8 âm lịch tại chùa Côn Sơn (Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự), nằm dưới chân núi Côn Sơn, tục gọi là chùa Hun (Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Đây là lễ hội đầu thu được tổ chức long trọng, thu hút sự tề tự không chỉ cho những người con Hải Dương mà còn cho những người dân các tỉnh phụ cận như : Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh… và du khách thập phương cũng đổ về để tham dự.
Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc là một kho tàng giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của người Việt Nam, với nhiều tầng văn hóa dân tộc và thể hiện đậm nét đời sống tinh thần, tín ngưỡng và phong tục tập quán của nước ta. Ngày lễ này thường điễn diễn ra vào khoảng thời gian từ 15 đến 20 tháng 8 âm lịch, đây còn là dịp trang trọng để tưởng niệm danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi ( ngày giỗ của ông là 16/08 âm lịch ) tại chính nơi đây, người đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ “Bình Ngô Đại Cáo” cho nước Nam, và anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (ngày giỗ của ông là 20/8AL) – người đã gắn liền cuộc đời và sự nghiệp nơi đây.
Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc thông thường có hai phần chính: Phần nghĩ lễ và phần vui chơi.
Phần Nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, hoành tráng, với rất nhiều nghi thức và lễ tế, có thể kể đến: Lễ rước cỗ tiến Thánh, Lễ hội quân trên sông Lục Đầu, Lễ cầu an và hội hoa đăng, tục hầu Thánh, Lễ ban ấn của Đức Thánh Trần…
Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc còn là một kiến trúc cổ đầy nghệ thuật, là điểm đến thú vị để vãn cảnh và tìm hiểu văn hóa.
4. Lễ hội đặc sắc tháng 8 âm lịch – Hội đền Đồng Bằng – tỉnh Thái Bình – 20/8AL
Hội đền Đồng Bằng là một hội tứ phủ lớn của vùng, nhằm để tưởng nhớ tới những người có công lớn trong việc bình thục giữ nước và xây dựng đất nước từ những ngày đầu sơ khai trên đất Nam ta. Hội này thường được tổ chức từ ngày 20 đến 26 tháng 8 âm lịch tại đền Đồng Bằng (còn gọi là đền Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình) tọa lạc tại làng Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Ngày khai hội là ngày 20 tháng 8 âm lịch, các nghi lễ đều được diễn ra bên trong đền. Dù rằng vào những ngày sau vẫn có tế lễ, nhưng nhìn chung vào ngày khai hội vẫn là ngày nhộn nhịp nhất. Ngày 21 là ngày rước bài vị các thần ra đình bơi, với các nghi thức vô cùng nghiêm trang, long trọng. Nghi lễ này chính là đức tin của người dân địa phương từ xa xưa, rằng các đức vua cha cùng các vị thần khác sẽ về ngự để xem làng đua thuyền.
Hội bơi (hay còn gọi là hội bơi thăm thẻ) sẽ kéo dài suốt từ ngày 22 đến ngày 25, tích nào thắng cuộc sẽ được trao giải, bên cạnh các trò chơi dân gian và sinh hoạt văn hóa khác như hát chèo, đất vật, múa lân, bơi trải, chọi gà, kéo co… Đây chính là phần “hội” của lễ hội đền Đồng Bằng.
Ngày 26, hội sẽ thực hiện nghi lễ rước bài vị các vua và thành hoàng về lại đền Đồng Bằng, chính thức lễ tất.
Người dân đến với lễ hội Đồng Bằng ở Thái Bình để cầu bình an, hòa mình vào những nhi lễ trang nghiêm long trọng của lễ rước nước và cùng tham gia vào các sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của văn hóa và tập tục Việt Nam, đồng thời cũng tìm hiều thêm về lịch sử và nếp sống của con người nước Nam xưa.